
[Review sách] Con đường lên núi – Những hành trình kỳ diệu
Như câu nói của triết gia Heraclitus "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" , và hành trình của các nhân vật trong "Con đường lên núi" cũng mỗi lần một khác.
Như câu nói của triết gia Heraclitus “Không ai tăm hai lần trên cùng một dòng sông”, và hành trình của các nhân vật trong “Con đường lên núi” cũng mỗi lần một khác.
Mình đã đọc đi đọc lại cuốn sách tranh này không dưới 10 lần, và trải nghiệm đọc của mình mỗi lần đều khác biệt, duy chỉ có những cảm xúc vui vẻ, hân hoan và sâu lắng thì vẫn như lần đầu.
Câu chuyện kể về bà Lửng cứ sáng Chủ Nhật là lại đi bộ lên núi Bánh Đường, trên đường đi bà gặp những người bạn, họ đã quá quen với sự hiện diện của bà trên con đường dẫn lên đỉnh núi. Cả ngọn núi này đều hiểu sự kiên nhẫn, tốt bụng, thích giúp đỡ, chia sẻ và lắng nghe của bà Lửng. Và cả người bạn đồng hành mới của bà – Mèo Lulu cũng thế.
Giống như câu nói “Hạnh phúc không phải một đích đến, mà đó là một hành trình”, “Con đường lên núi” cũng kể lại hành trình tuyệt vời đó của bà Lửng và Lulu. Mỗi trang sách, mỗi câu thoại và những hình minh họa dễ thương lại khiến lòng mình rưng rừng khi lật qua rồi lật lại.
Vì mình cũng từng leo núi vài ba lần, có lần chinh phục thành công có lần thì thất bại. Những trải nghiệm mình từng có trong những lần leo núi đó được tái hiện y nguyên trong cuốn sách này tuy có phần dễ thương và thơ mộng hơn một chút: Những người bạn đồng hành, những thanh âm, màu sắc và vẻ đẹp của thiên nhiên, những khi tò mò về thế giới, những lúc vượt qua chướng ngại vật, khi thì phân vân lựa chọn lối đi, và cả giây phút tận hưởng thành quả bằng việc ngắm nhìn thế giới dưới chân mình.
Không có hình ảnh ẩn dụ nào về cuộc sống có thể sinh động hơn hình ảnh về một hành trình leo lên đỉnh núi, và tác giả Marianne Dubuc đã rất tinh tế khi lựa chọn câu chuyện giản dị này để gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cuộc sống.
Không hề có nhưng bài học giáo điều khuyên dạy người ta phải làm thế nọ thế kia, mà tác giả dùng chính câu chuyện của bà Lửng và Lulu để giúp độc giả được trải nghiệm gián tiếp những điều thú vị trong hành trình của hai nhân vật này.
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có một nơi như núi Bánh Đường của bà Lửng (và sau này là của Lulu). Nơi mà người ta tìm thấy sự bình yên, cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống, hoặc đơn giản là tĩnh lặng bên cạnh những người mình yêu quý. Nếu bạn chưa tìm thấy nơi nào giống như thế trong cuộc sống thực thì hãy mở ngay cuốn sách này ra để có được những trải nghiệm tuyệt vời như vậy.
“Con đường lên núi” là một cuốn sách tranh, trên bìa sách đơn vị phát hành Ehomebooks ghi dành cho trẻ 3-8 tuổi nhưng mình phản đối điều này. “Con đường lên núi” đáng ra phải là cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi. Nó quá sâu sắc và cực kì lắng đọng, như một bài ca với giai điệu nhẹ nhàng và câu từ giản dị, nó khiến người ta muốn nghe đi nghe lại, từ khi còn trẻ cho đến lúc về già. Bởi mỗi lần nghe và đọc nó, dù ở độ tuổi nào, chúng ta sẽ lại có những cảm nhận khác nhau, như thể con đường lên núi của bà Lửng và Lulu mỗi lần một khác.
Hà Nội, ngày 6/6/2021
Thúy Linh

