Review sách

Review sách 21 nguyên tắc tự do tài chính – Brian Tracy

Một buổi sáng đầu tháng 12 trời trở lạnh đột ngột khiến mình nhận ra chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán. Xem lại mục tiêu đọc sách năm 2022 thì mình đang bị chậm đến chục quyển sách nên vội vàng tìm cách chạy đua deadline.

Thực ra với mình đọc sách là để học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, thay đổi tư duy và trở nên tốt hơn so với bản thân trong quá khứ. Vậy nên đọc sách là tốt rồi, không cần deadline làm gì để việc tận hưởng trang sách trở nên mất ý nghĩa.

Để tiếp nối hành trình đọc sách năm 2022, mình chọn một cuốn sách nhẹ nhàng, cô đọng, xúc tích của Brian Tracy, một chuyên gia nổi tiếng về tài chính và phát triển cá nhân, cuốn sách có tên “21 nguyên tắc tự do tài chính”. Mình từng xem rất nhiều video của bác Brian trên Youtube và học hỏi được rất nhiều, thế nhưng đây mới là cuốn sách đầu tiên mình đọc của bác ý.

Một cuốn sách nên được đọc đi đọc lại

Như mình đã giới thiệu, cuốn sách cô đọng, xúc tích này chỉ vỏn vẹn 100 trang nên đọc rất nhanh. Còn lý do phải đọc đi đọc lại là vì những nguyên tắc trong cuốn sách này quá hay khiến mình phải đọc nhiều lần, thậm chí chép 21 nguyên tắc ra giấy để ghi nhớ và thực hành tốt hơn.

Cuốn sách này là sự tích lũy của 15 năm nghiên cứu, giảng dạy và trải nghiệm của tác giả – từ hai bàn tay trắng trở thành triệu phú. Năm 30 tuổi – mốc thời gian mà đáng ra Brian phải trở thành triệu phú như ông mong muốn – nhưng ông vẫn là một kẻ rỗng túi như lúc 20. Từ đó ông đã đặt ra câu hỏi: Tại sao có những người thành công hơn người khác? Câu hỏi đó đã thôi thúc tác giả tìm hiểu, học hỏi, tự tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và viết ra được 21 nguyên tắc tự do tài chính trong cuốn sách này.

21 nguyên tắc tự do tài chính của Brian Tracy

  1. Mơ những giấc mơ lớn. Đây là điểm khởi đầu để bạn đạt được mục tiêu độc lập tài chính. Nguyên nhân số một mà nhiều người không đạt được tự do tài chính là vì họ không bao giờ nghĩ là họ có thể thành công. Vì vậy họ không bao giờ cố gắng. Họ không bao giờ bắt đầu. Họ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn tài chính. Nhưng khi bắt đầu mơ những giấc mơ lớn về thành công trong tài chính, bạn sẽ bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận về bản thân và cuộc sống của mình.

2. Đưa ra bản chỉ dẫn rõ ràng. Một trong những triết lý quan trọng mà nhân loại có được đó là: “Bạn sẽ trở thành thứ mà bạn dành hầu hết thời gian suy nghĩ về nó”. Những người thành công thường nghĩ về mục tiêu và có 7 bước để họ thiết lập và đạt được mục tiêu:

  • Xác định chính xác điều bạn mong muốn.
  • Viết rõ ràng và cụ thể mục tiêu đó ra.
  • Đưa ra thời hạn hoàn thành mỗi mục tiêu.
  • Lên danh sách những việc cần làm để đạt được mục tiêu.
  • Biến danh sách trên thành một kế hoạch hành động.
  • Bắt tay thực hiện kế hoạch ngay lập tức.
  • Điều quan trọng nhất: mỗi ngày hãy làm mọi điều để đưa bạn gần hơn tới mục tiêu quan trọng nhất.

3. Coi mình là một người chủ. Khi coi mình là một người chủ, bạn sẽ phát triển tinh thần doanh nhân, tinh thần của các cá nhân độc lập, tự chịu trách nhiệm, tự khởi đầu. Thay vì chờ đợi việc nào đó xảy ra, bạn hãy làm điều đó xảy ra.

4. Hãy làm những việc bạn yêu thích. Khi làm những việc thực sự yêu thích, bạn sẽ cảm thấy mình không phải làm việc một ngày nào trong suốt cuộc đời.

5. Cam kết với sự hoàn hảo. Đọc đến đây mình nhớ tới một câu nói: “If you’re going to sweep the floor, sweep it better than anyone swept it before”. Khi ở trong một lĩnh vực nào đó, hãy cố gắng trở thành top 10% những người giỏi nhất. Hãy nhớ rằng tất cả những người đang làm tốt công việc hiện tại đều từng làm không tốt.

6. Làm việc lâu hơn, chăm chỉ hơn. Tất cả các triệu phú tự thân đều làm việc rất nhiều, rất nhiều và rất nhiều. Họ thường bắt tay vào công việc sớm hơn, làm việc chăm chỉ hơn và ở lại văn phòng làm việc muộn hơn.

7. Học tập suốt đời. Có 3 nguyên tắc quan trọng để bạn có thể học tập suốt đời. (1) Dành ít nhất 30-60 phút mỗi ngày để đọc về lĩnh vực của mình. (2) Lắng nghe các chương trình phát thanh khi lái xe. (3) Tham gia khóa học và hội thảo giúp bạn cải thiện năng lực trong lĩnh vực của mình.

8. Trước hết hãy trả công cho chính mình. Lý do của những người về hưu trong cảnh nghèo khổ là họ đã tiêu xài vung phí trước đó. Họ trở thành nạn nhân của định luật Parkinson khi cho rằng “chi phí tăng để bắt kịp thu nhập. Nếu bạn không tiết kiệm được 10% thu nhập thì hãy bắt đầu với tiết kiệm 1%.

9. Học mọi chi tiết về công việc của mình. Nếu bạn trở nên xuất sắc trong công việc của mình thì không có gì có thể ngăn cản được việc bạn sẽ được trả công cao hơn và thăng tiến nhanh hơn.

10. Tận tâm phụng sự người khác. Các triệu phú luôn bị ám ảnh với việc phụng sự khách hàng. Họ nghĩ về khách hàng của mình mọi lúc mọi nơi. Họ không ngừng tìm ra những cách thức mới và làm tốt hơn để phụng sự.

Bạn có thể đạt được mọi điều mình muốn nếu bạn giúp đỡ người khác đạt được những gì họ muốn.

Zig Ziglar

11. Thành thật tuyệt đối với chính mình và với người khác. Chìa khóa đầu tiên để phát triển tính chính trực là thành thật với bản thân mình, có nghĩa là đã làm thì làm cho tốt. Nó thể hiện ở cả chất lượng công việc. Chìa khóa thứ hai là thành thật với người khác. Sống thật với tất cả mọi người, đừng nói hay làm điều gì mà bạn không tin là đúng, là tốt, là chân thật.

12. Xác định điều ưu tiên cao nhất và tập trung toàn bộ tâm trí vào đó. Hãy trả lời bốn câu hỏi để xác định điều này. (1) Đâu là hoạt động có giá trị cao nhất của bạn. (2) Tại sao tôi được trả công. (3) Điều gì mà tôi và chỉ tôi có thể làm, nếu làm tốt thì sẽ tạo sự khác biệt thực sự? (4) Hiện giờ điều gì có giá trị nhất mà tôi dành thời gian thực hiện?

13. Tạo dựng danh tiếng về tốc độ và độ tin cậy. “Hãy làm công việc của bạn nhưng không chỉ dừng lại ở công việc, chỉ cần thêm một chút thì cái ‘một chút’ sẽ có được giá trị nhiều hơn so với toàn bộ phần còn lại” – Dean Briggs.

14. Chuẩn bị leo từ đỉnh cao này tới đỉnh cao kia. Giống như một nhà leo núi, sau khi leo lên một đỉnh núi, người đó sẽ phải đi xuống thung lũng trước khi leo lên một đỉnh núi khác. Cuộc đời và sự nghiệp của bạn cũng sẽ là chuỗi thăng trầm như vậy.

15. Tự rèn luyện kỷ luật trong tất cả mọi việc như vậy. Người thành công tập trung nhiều hơn vào những kết quả đem tới sự hài lòng, trong khi người thất bại quan tâm nhiều hơn tới các phương thức mang lại niềm vui. Mọi thứ trong cuộc sống là một bài kiểm tra: hàng ngày, hàng giờ, hàng phút bạn hãy kiểm tra khả năng tự kiểm soát, điều khiển và tự rèn luyện của mình.

16. Khai mở tài năng sáng tạo thiên bẩm của bạn. Bạn thông minh hơn bạn nghĩ, bạn có trí thông minh và khả năng sáng tạo hơn những gì bạn từng vận dụng từ trước tới nay. Khả năng sáng tạo sẽ được kích thích bởi ba nhân tố: các mục tiêu mạnh mẽ; các vấn đề cấp bách; các câu hỏi trọng tâm,

17. Giao du với đúng người. 85% thành công và hạnh phúc trong cuộc sống của bạn được quyết định bởi chất lượng các mối quan hệ mà bạn phát triển trong các hoạt động cá nhân và nghề nghiệp của mình.

18. Chăm sóc sức khỏe thể chất. “Chìa khóa để có được hạnh phúc là một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh” – Theodore Roosevelt.

19. Quyết đoán và xu hướng hành động. Người thành công luôn quyết đoán và họ thử làm nhiều thứ hơn những người khác làm. Theo xác suất, nếu như bạn thử nhiều cách khác nhau để đạt được thành công thì xác suất cuối cùng là bạn sẽ ra được cách làm đúng, vào đúng thời điểm.

20. Không bao giờ cho phép thất bại trở thành một lựa chọn. Nỗi sợ hãi thất bại chính là cản trở lớn nhất tới thành công. Thất bại không cản trở bạn mà nó làm bạn mạnh mẽ hơn. linh hoạt hơn và quyết đoán hơn.

21. Vượt qua thử thách tính kiên trì. “Không có gì trên thế giới này có thể thay thế lòng kiên trì. Không phải tài năng vì nhan nhản những người có tài mà vẫn thất bại. Không phải là thiên tài vì ai cũng biết thiên tài thường không được đền đáp xứng đáng. Không phải là học vấn vì thế giới này có quá nhiều người có học bị bỏ quên. Chỉ lòng kiên trì và sự quyết tâm là có quyền lực tuyệt đối” Calvin Coolidge

Như vậy là mình đã tóm tắt lại 21 nguyên tắc tự do tài chính của Brian Tracy. Mình quyết định sẽ viết những nguyên tắc này ra giấy để nhắc nhở bản thân hằng ngày. Đây là một cuốn sách ngắn gọn nhưng rất truyền cảm hứng. Nó như là một tấm gương để chúng ta soi mình trong đó thấy bản thân đã đủ tốt hay chưa. Từ đó lại càng có thêm động lực để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x